ĐẦU BẾP

Giỏi Nghề Nên Nghiệp



Sẽ là lầm to nếu bạn nghĩ đơn giản chỉ sự khéo léo và chú tâm học hỏi là sẽ thành đầu bếp giỏi. THực tế, sự sáng tạo, độc đáo mới là điều để người nấu bếp khẳng định tay nghề, đẳng cấp của mình.

Không ít bạn trẻ khi bước chân vào những lớp học Từ “Bếp căn bản” đến “Bếp Việt Nam”, “Bếp Âu Á”, nấu bếp nâng cao… vẫn mang trong mình mục tiêu trở thành đầu bếp. Tuy nhiên, khoảng cách từ tốt nghiệp khoá học, đến nấu phục vụ đạt hiệu quả đã là khoảng cách dài; từ đó để trở thành đầu bếp còn... xa hơn nữa. “Trong 100 người học nấu bếp, may mắn thì… vài ba người trở thành đầu bếp có tên tuổi, chính vì thế nếu mãi vẫn còn ở vị trí nấu bếp, phục vụ không tên, âm thầm thì bạn không nên buồn. Thực tế, không ít người bỏ cuộc giữa chừng vì chọn nghề mà không hiểu rõ đặc trưng của nghề” – anh Thành Trung, đầu bếp nhà hàng H.C (đường Hoàng Văn Thụ) chia sẻ.


Bắt đầu vào nghề, những người trẻ phải luôn chú ý, quan sát học hỏi từ đầu bếp đã có kinh nghiệm. Vì lý do này, anh Quách Thiên Tường (Trưởng bộ môn nghệ thuật nấu ăn trường Nghiệp vụ khách sạn Việt Úc) mỗi lúc lên lớp, bên cạnh những bài học về ẩm thực còn thường xuyên nhắc nhở học sinh bài học về sự kiên nhẫn và tinh thần cầu tiến.

“Chi phí cho những khoá học nghệ thuật ẩm thực không hề rẻ, sách vở phục vụ nhu cầu học cũng rất "mắc". Chính vì thế, học viên chỉ nên học nên theo khi thực sự đam mê. Và khi đã theo thì nên nỗ lực đến cùng.”

Thời lượng làm việc 48 giờ /tuần là hoàn toàn bình thường đối với các đầu bếp nổi tiếng, thậm chí còn có thể nhiều hơn thế nữa. Ngoài ra, thời gian biểu cũng rất khác biệt, có thể là vào sáng sớm, đêm khuya, cuối tuần và cả ngày nếu là dịp lễ.

Điều kiện làm việc cũng gây nhiều khó khăn như: không gian nóng, nhiều vật dụng, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu không cẩn thận khi chế biến thức ăn như : đứt tay, bỏng và trượt té. Không chỉ là việc chế biến, xào nấu, còn hàng trăm công việc tưởng giản đơn như hướng dẫn khách hàng cách ăn uống, dọn món, tính toán phù hợp từ chợ búa, chế biến cho tới khi món ăn nằm trên bàn và được khách hàng chấp nhận. Bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn phải tươi tắn, niềm nở.

Để trở thành một trong những đầu bếp ở hàng top tại Sài Gòn, anh Quách Thiên Tường (đầu bếp khách sạn) từng bỏ dở ngành cơ khí mà mình theo để mần mò học hỏi. Sau những khoá học "chính quy", anh còn học từ những cuốn sách lận lưng, những tài liệu nước ngoài, và từ những người đi trước.

Theo anh, hiện nay sách vở có nhiều hơn, không khó khăn như trước, cùng đã có nhiều người đi trước so với trước đây. Bởi thế, điều quan trọng nhất là các bạn trẻ không ngại khó, chịu đầu tư và chịu học, nhất định sẽ đến nơi.

Khi cung không đủ cầu

Hiện nay, vì nhu cầu cần người phục vụ nấu bếp, đặc biệt là đầu bếp nên có khá nhiều trường, trung tâm dạy ngành này. Trường Trung học Nghiệp vụ Du lịch và Khách sạn, Trường Nghiệp vụ Du lịch Việt Giao, Trường quản lí khách sạn Việt Úc… đều thường xuyên mở lớp dành cho trên dưới 15 người theo học.

Tại các trung tâm, giá học một khoá căn bản dao động từ 1,7 triệu (chưa kể tiền thực phẩm) – đến 2,5 triệu. Chị T. Tú, trung tâm Du lịch Việt Giao cho biết, năm nay khá nhiều bạn trẻ tìm đến học nghề, có cả những học viên mới tốt nghiệp cấp ba. Trong đó khá nhiều chọn nghề nấu bếp, điều này cho thấy thanh niên biết định hướng nghề nhiều hơn trước đây.

Việt Hằng, học sinh Trường Trung học Nghiệp vụ Du lịch và Khách sạn cho biết, cô chọn nghề nấu bếp vì sau này phụ mẹ quán xuyến một nhà hàng của gia đình. Nhưng học gần xong lại thấy nên xin việc ở những khách sạn lớn để nâng cao tay nghề, nhiều cơ hội học hỏi.

Sắp tốt nghiệp, nhưng Hằng khoe hiện đang giữ một chân… gọt rau củ, phụ giúp dọn dẹp, giúp những món xào trong một khách sạn. Thu nhập không bằng một nửa tiền… mẹ chu cấp, cô vẫn vui vì xác định “vạn sự khởi đầu nan”, và do chịu học, nhiều cơ hội để học thì nhất định khi có một tay nghề “chắc cú” nhất định sẽ… “làm giàu không khó” trong nghề này.

Theo đầu bếp Thành Trung, tuyển được nhân viên có trình độ rất khó, phần lớn họ chỉ có kinh nghiệm. Vì ngành nghề này còn khá mới và chưa được nhìn nhận đúng vị trí ở Việt Nam. Những người có trình độ nhưng chưa có kinh nghiệm thì đào tạo cũng dễ (nhân viên mới thường có một thời gian chịu sự hướng dẫn của đầu bếp) vì họ nắm được công thức, nên luôn được nhiều ưu tiên khi tuyển dụng.

Không ít người cho rằng những khoá học luôn nặng về lí thuyết, không phù hợp và không cần thiết khi muốn bước chân vào nghề này. Thực tế, khoá học tại trường luôn cân bằng giữa lí thuyết và thực hành, giúp học viên nắm vững các nguyên tắc cơ bản về nấu ăn, kỹ thuật chế biến, yêu cầu vệ sinh thực phẩm và kỹ năng thực tế. Ngoài ra, bạn cũng sẽ được giấy chứng nhận hành nghề. Do đó, bạn không cần bắt đầu từ vị trí thấp nhất khi bước chân vào nghề này.

Người đầu bếp có thể được thưởng xứng đáng khi có nhiều khách hàng yêu thích các món ăn của họ. Phần lớn các ông chủ khách sạn nhà hàng chuộng đầu bếp Việt vì sự lâu dài ổn định chứ không như đầu bếp ngoại quốc - chỉ có thể ký hợp đồng 2,3 năm và họ sẵn sàng bỏ việc đi nước khác nếu nhiều lợi hơn. Tuy nhiên, để trở thành một người giỏi nghề, phải học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi và quốc gia khác nhau. Điều này giúp bạn lĩnh hội các kỹ thuật và công thức món ăn mới cũng như gặp gỡ nhiều người.
(VietNamNet)

About Unknown

0 Nhận Xét:

Post a Comment

Powered by Blogger.